Những loại cây cảnh này trồng phù hợp với điều kiện trong bếp. Đặc biệt là chúng có thể làm sạch không khí, tạo vẻ đẹp duyên dáng cho góc nấu nướng nhà bạn.
1. Nha đam
Nha đam trồng trong chậu và đặt ở khu vực nấu nướng khá phù hợp. Tuy nhiên, đây là loại cây cần nhiều ánh sáng. Bạn có thể đặt chậu cây ở khung cửa bếp có nhiều ánh sáng. Không cần tưới nước nhiều vì cây phù hợp với điều kiện đất khô. Bạn có thể dùng lá làm nước ép hoặc sử dụng hợp chất trong lá có tính chống viêm để đắp mặt làm đẹp da.
2. Các loại thảo mộc
Các loại thảo mộc có thể trồng trong các chậu nhỏ, treo hoặc đặt ở bệ cửa sổ gần bếp nấu để đảm bảo cây nhận được ánh sáng vừa đủ, không quá chói chang. Với những căn bếp thiếu sáng, bạn có thể cân nhắc để trồng các loại cây dễ trồng như hẹ, mùi tây, bạc hà…
3. Cây thường xuân
Cây thường xuân có tên khoa học Hedera Helix, là một loài thực vật thuộc chi dây – cây dây leo, có nguồn gốc từ châu Á và tây Á. Tại Việt Nam, cây thường xuân mọc ở rừng ẩm Lào Cai (Sapa) và Lai Châu, với độ cao phân bố thường từ 1.300m trở lên và lan trên bề mặt cao 20 – 30 cm.
Cây thường xuân hay cây trường xuân là một trong những loại cây phong thủy, được nhiều người ưa chuộng. Mang ý nghĩa xua đuổi âm khí, tà ma, mang đến bình an, may mắn cho gia chủ.
Cây thường xuân cũng là loài ưa ánh sáng nhưng có thể thích nghi ở điều kiện có ánh sáng yếu. Cây trồng trong chậu và không cần tưới nhiều nước.
4. Cây lan ý
Tên khoa học của cây lan ý là Spathiphyllum wallisii, cây thuộc họ ráy. Cây có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới Nam Mỹ và một số quốc gia ở Đông Nam Á. Ở nước ta, cây lan ý hay được gọi là cây bạch môn, cây vỹ hoa trắng hoặc cây ý lan, cây huệ hòa bình.
Cây lan ý là loại cây thân thảo có kích thước nhỏ, cao không quá 50cm. Cây mọc thành bụi với các cuống lá dài, nhỏ và hướng lên trên. Lá cây màu xanh đậm có hình bầu dục, thon dài và nhọn ở đỉnh. Hoa lan ý màu vàng, có một bắc hoa bọc bên ngoài màu trắng như vỏ sò nhìn rất đẹp. Hoa lan ý nở rất lâu, có thể kéo dài từ 3-4 tháng.
Cây lan ý có lá màu xanh đậm, thon dài, hoa màu trắng tạo vẻ đẹp duyên dáng cho căn bếp. Cây dễ thích nghi trong điều kiện ánh sáng yếu, chỉ nở hoa khi được bón phân và chăm sóc định kỳ.
5. Cây không khí
Cây không khí có tên gọi khoa học là Tillandsia, tên tiếng Anh là Air plant, thuộc họ Bromelias. Có nguồn gốc xuất xứ, phân bố chủ yếu ở các vùng núi phía Trung và Nam Mỹ. Thoạt nhìn qua, bạn sẽ thấy cây trông như những cây dứa nhỏ kết lại với nhau.
Điều đặc biệt ở đây là cây không khí mọc dốc ngược xuống dưới thay vì mọc thẳng như những loài cây thông thường khác. Hơn nữa, cây có thể sinh sống ở trong môi trường không có đất. Chúng có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ không khí hoặc sương sớm ban mai.
Cây không khí rất dễ sống, chúng không cần đất vẫn có thể phát triển khi đặt trong môi trường ẩm hoặc có nước. Bạn có thể trồng trong các lọ thủy tinh, mảnh gỗ ghép trang trí hoặc đặt trong các chậu treo… Tưới nước cho cây bằng cách phun sương hoặc rửa cây mỗi tuần một lần.
6. Cây trầu bà
Cây trầu bà có thể trồng kiểu dây leo tạo vẻ đẹp mềm mại cho góc nấu nướng. Cây yêu thích lượng ánh sáng vừa phải và không cần nhiều sự chăm sóc vẫn tốt tươi, làm duyên cho bếp.
7. Cây kim tiền
Cây kim tiền với lá cứng tạo dáng ấn tượng. Cây có thể phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng yếu. Giữ cho đất đủ độ ẩm và bón phân theo định kỳ có thể giúp góc bếp luôn xanh tươi, đẹp mắt.
8. Cây nhền nhện
Cây nhền nhện có thể trồng trong các chậu treo để tạo dáng thật đẹp cho góc nấu nướng. Những cây con được phát triển trong các nhánh cây ra hoa. Giữ ẩm cho cây để góc bếp đẹp hơn nhờ sự hiện diện của mảng màu xanh tươi.
Nguồn: VOV
Theo Nhịp sống Việt